'Cảm ơn Nghị định 100'
- Thứ ba - 04/02/2020 09:22
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Không còn thấy những thanh niên mặt đỏ tía tai, đầu trần phóng xe máy, hay những tiếng hò hét ép "uống đi, uống đi" quanh bàn nhậu.
Tôi có một người anh họ, thân thiết còn hơn ruột thịt. Chúng tôi khá hợp nhau về tính cách, hỗ trợ trong công việc, kinh nghiệm cuộc sống. Nhưng chỉ duy nhất một thứ, tôi chưa bao giờ ưng, đó là ép rượu. Anh thích uống mỗi khi có dịp tụ tập, mà kiểu gì cũng phải ép người khác uống cùng. Ép mười lần chẳng lẽ không đồng ý một hai lần. Nên tôi rất ngại mỗi khi ngồi cùng mâm anh những ngày Tết.
Ấy thế nhưng năm nay đã khác.
Anh chủ động đề nghị không uống rượu bia, vì phải lái xe đi nhiều nơi ngày tết. Nhà nội và ngoại của anh cách nhau khoảng 60 km, qua cả đường cao tốc, quốc lộ, nơi luôn có những chốt chặn của CSGT để kiểm tra nồng độ cồn.
Dù rằng việc anh từ chối uống rượu khi phải lái xe xuất phát từ lý do kinh tế, bị đánh vào túi tiền, nhưng tôi vẫn thấy thật vui, vì ít rằng anh đã thay đổi. Dần dà, có thể anh sẽ nhận ra tác hại của việc quá chén, ảnh hưởng đến sự tỉnh táo khi lái xe, chứ không đơn thuần là mất tiền nộp phạt.
Trước Tết, tôi đi tất niên đều đặn mỗi tối. Ba ngày Tết, tôi đi gặp họ hàng, bạn bè triền miên. Nhưng không còn ngửi thấy mùi cồn sặc sụa, vì ở đâu mọi người cũng chủ động không uống, nếu phải tự lái xe.
Tôi thấy cần cảm ơn Nghị định 100, chính xác hơn là sự mạnh tay của những người thực thi pháp luật. Ngay cả khi còn áp dụng Nghị định 46, mức phạt cũng đã khá nặng, nhưng việc hành pháp chưa thực sự triệt để nên tài xế không sợ. Hy vọng tinh thần này sẽ tiếp tục giữ vững từ nay về sau, chứ không chỉ một vài tháng cao điểm rồi chùng xuống, lúc ấy, người dân ra đường sẽ là những người tỉnh táo. Chúng ta sẽ có một Việt Nam vắng hơi men, những danh hiệu tiêu thụ nhiều rượu bia nhất thế giới, xin phép được nhường lại.
Độc giả Trần Tâm