Chiều 3/1, trên đường Tố Hữu, quận Hà Đông, Đội cảnh sát giao thông số 7 Công an Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn với tài xế Vũ Quốc Dũng (38 tuổi, TP Nam Định). Thổi vào máy đo nồng độ cồn với kết quả 0,262 mg/lít khí thở, anh Dũng bị lập biên bản vi phạm hành chính, trước mắt tạm giữ xe 7 ngày.
Trung tá Vũ Mạnh Nam, Phó đội trưởng Cảnh sát giao thông số 7 nói, tài xế Vũ Quốc Dũng sẽ bị phạt 4,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 17 tháng.
Tỏ ra bất ngờ với kết quả trên, song anh Dũng thừa nhận đã uống bia và ký biên bản. "Trưa nay tôi dự tất niên với bạn bè, chỉ uống hai cốc bia nên nghĩ mình không vi phạm nồng độ cồn, không ngờ kết quả như vậy", anh Dũng nói và cho biết sẽ "rút kinh nghiệm để lần sau không đi xe máy sau khi uống bia".
Lái xe Vũ Quốc Dũng thổi máy đo nồng độ cồn. Ảnh: Ngọc Thành. |
Cũng trong chiều nay, Đội Cảnh sát giao thông số 7 tạm giữ ôtô do anh Nguyễn Đức Hải (47 tuổi, ở Hà Đông) cầm lái. Máy đo ghi nhận mỗi lít khí thở của anh Hải chứa 0,556 mg cồn, trong khi 0,4 mg/lít là mức cao nhất trong khung xử phạt về vi phạm nồng độ cồn. Mức phạt với lỗi này từ 30 đến 40 triệu đồng, tạm giữ giấy phép lái xe 22 đến 24 tháng.
Anh Hải cho hay gia đình có đám hỏi cháu nên đã uống rượu khi tiếp khách. Trong khi đang ăn uống, có tin người nhà ốm phải đi cấp cứu nên anh vội vàng đi xe đến bệnh viện, khi chưa ra khỏi quận Hà Đông thì bị cảnh sát xử phạt.
"Tôi biết uống rượu bia sẽ bị phạt nặng, song nhà có việc nên phải tiếp khách. Đây là việc không thể từ chối được. Tôi không nhớ đã uống bao nhiêu chén rượu, bây giờ xử phạt như thế nào tôi cũng đành chịu", anh Hải nói.
Khi được hỏi vì sao không đi taxi, anh Hải giải thích "vì muốn sớm đến bệnh viện thăm người nhà nên mới sử dụng xe cá nhân". Trong khi cảnh sát làm thủ tục xử phạt, tài xế này yêu cầu được ký khống biên bản để nhanh chóng rời đi.
Anh Nguyễn Đức Hải ký biên bản vi phạm hành chính. Ảnh: Ngọc Thành. |
Trung tá Vũ Mạnh Nam, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 7, cho hay từ ngày 1/1 đến nay, đội đã xử phạt 4 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Việc kiểm tra trên đường là xác suất, nếu người tham gia giao thông thổi máy đo mà cơ thể không có cồn thì cảnh sát sẽ xin lỗi và để người dân đi tiếp; nếu vi phạm thì xử phạt theo quy định.
"Khi bị dừng xe và yêu cầu thổi máy đo nồng độ cồn, nhiều người đã chống đối không thổi hoặc cố tình thổi sai cách khiến thời gian xử lý bị kéo dài, có trường hợp xử lý mất cả một giờ", trung tá Nam nói.
Ngoài ra, sau khi lập biên bản vi phạm, nhiều tài xế "cố xin xỏ để được bỏ qua"; nếu không xin được thì họ không ký biên bản hoặc chửi bới, lăng mạ lực lượng chức năng. Với trường hợp chống đối, cảnh sát giao thông sẽ vẫn lập biên bản, lấy chữ ký của người làm chứng để xử phạt.
Trước ý kiến lo ngại người ăn trái cây cũng có thể vi phạm nồng độ cồn, trung tá Vũ Mạnh Nam cho rằng, máy đo sẽ không ghi nhận nồng độ cồn trong cơ thể nếu người dân chỉ ăn trái cây, uống nước hoa quả.
"Thời gian qua, chúng tôi chưa xử phạt trường hợp nào khai rằng đã ăn hoa quả mà trong cơ thể có nồng độ cồn. Tất cả người vi phạm đều thừa nhận đã uống rượu bia", ông Nam nói.
Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế nghị định 46 năm 2016), có hiệu lực từ 1/1/2020.
Theo đó, với mức vi phạm nồng độ cồn cao nhất, người đi xe đạp sẽ chịu mức phạt phạt 400.000 đến 600.000 đồng; người đi xe máy bị phạt 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; người đi ôtô bị phạt 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.
tailocnguyen.vn