Lời khuyên đầu tiên của các chuyên gia để đề phòng “bà hỏa” từ xa là không lắp thêm các thiết bị, thay đổi kết cấu không phù hợp với thiết kế ban đầu, đặc biệt là thay thế những phụ tùng không rõ nguồn gốc và kém chất lượng. Nếu thực sự cần lắp thêm, nên đến những địa chỉ uy tín để được tư vấn.
Trong quá trình đi xe, không nên để các chất, vật dễ cháy, dễ làm mồi cho lửa như điện thoại di động, nước hoa, bật lửa ga, hóa chất trên xe, trong cốp xe. Không nên để xe ở những nơi quá kín, không có thông gió hoặc nơi có nguy cơ cháy nổ cao như nguồn nhiệt, hóa chất. Trước khi khởi động xe, 1-2 phút kiểm tra sơ bộ tình trạng xe là cần thiết để hạn chế cháy nổ và tăng tuổi thọ của xe. Đặc biệt là kiểm tra xem xe có mùi xăng hay không, để nếu có sẽ biết nguyên nhân vì sao.
Theo khảo sát của Cục Đăng kiểm, khoảng 70% số người đi xe máy và 40% số người sử dụng ôtô chưa bảo dưỡng xe đúng quy định của nhà sản xuất. Trong khi đó, việc bảo dưỡng đúng cách là yếu tố quan trọng hạn chế chập cháy và tăng tuổi thọ cho xe. Với xe máy, cần thay những loại dầu tốt và kiểm tra sau khi mỗi thời gian đi được khoảng 3.000km. Với ôtô thì thông thường định kỳ bảo dưỡng, thay dầu sau 5.000 – 10.000km. Ngay cả khi xe ít đi hoặc để một chỗ thì sau 6 tháng cũng nên kiểm tra và thay dầu, bởi có thể dầu đã bị lắng cặn, biến chất qua thời gian đó.
Khi đi qua khu vực có chất dễ cháy như rơm rạ, nilon, 80 – 90% số người đi xe chọn cách đi qua luôn. Trong khi đó, các chất dễ cháy này khi bám vào đường ống xả là một nguy cơ cháy cao. Vì thế, điều mà người điều khiển nào cũng nên làm là chỉ cần dừng xe lại một chút và kiểm tra xem ống xả, nhất là với xe ô tô gầm thấp có vật dễ cháy bám vào không? Trường hợp có va chạm giao thông, đổ xe, người sử dụng lưu ý kiểm tra lại trước khi khởi động lại động cơ. Khi đỗ xe, cần đóng kín các cửa, kiểm tra và tắt hết các thiết bị điện.
Việc dọn rửa xe thường xuyên là những cách loại bỏ được nhiều nguyên nhân cháy nổ. Tuy nhiên, một số loại xe ga như xe SCR, LEAD có bình xăng đặt ở vị trí thấp ngay chỗ để chân, nên khi rửa xe xong, hoặc sau khi xe bị ngập nước, nên kiểm tra nắp bình xăng xem còn nước đọng ở nắp bình xăng hay không, đặc biệt là ở joăng caosu ngay dưới nắp. Nếu nước vào trong bình xăng, lâu ngày chỗ đọng nước trong bình xăng, người sử dụng không thể biết để lâu ngày khiến thủng bình xăng và dẫn đến nguy cơ cháy.
Có rất nhiều điểm sửa xe máy là tự phát không có giấy phép hay chứng chỉ về nghề, bởi tay nghề chuyên môn của thợ sửa xe chưa tốt, hay làm ẩu. Ví dụ: Khi tháo lắp máy không cẩn thận siết ốc chặt hoặc thay joăng, phớt không đúng cách, loại kém chất lượng.
Điều này có thể khiến dầu máy thoát qua các khe máy, lâu ngày đọng lại thành lớp dày. Hoặc khi sửa chữa, họ thay các thiết bị kẹp, ống dẫn nguyên liệu, các dây dẫn điện, lớp bảo vệ dây điện không đúng chủng loại và không đúng nguyên tắc. Mục đích sửa chỉ làm cho xe hoạt động được lúc đó, không tính đến hậu quả sau một thời gian có thể hỏng hóc gây cháy nổ. Nếu bất đắc dĩ phải sửa xe dọc đường để giải quyết tình thế, sau đó, bạn nên mang xe đi kiểm tra tại các trung tâm chăm sóc xe uy tín.