Mã Pí Lèng
Ảnh: Matt. |
Nằm trên con đường Hạnh Phúc nối liền thị trấn Đồng Văn và Mèo Vạc, Mã Pí Lèng là tên gọi của cung đường đèo hiểm trở bậc nhất Việt Nam, thuộc địa phận tỉnh Hà Giang. Tên gọi Mã Pí Lèng được dịch ra là "Sống mũi ngựa". Đây là một trong "tứ đại đỉnh đèo" nổi tiếng được nhiều phượt thủ yêu thích.
Cung này có độ dài khoảng 20 km, uốn quanh đỉnh núi cao 2.000 m. Mã Pí Lèng còn được mệnh danh là "vua của những cung đường hiểm trở" ở Việt Nam. Cung đường không chỉ thu hút người ưa xê dịch mà cả các nhiếp ảnh gia bởi khung cảnh đẹp ngoạn mục.
Đèo Pha Đin
Ảnh: Nguyen Hoai Phuong. |
Nằm trên quốc lộ 6, thuộc địa phận 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên, đèo Pha Đin có độ dài 32 km. Pha Đin trong tiếng Thái còn có nghĩa là “trời và đất”, ý nói nơi đây là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất. Cung đường để lại ấn tượng khó quên bởi những dốc cua hiểm trở, khung cảnh bình yên của những bản làng nằm lác đác dưới chân đèo.
Ô Quy Hồ
Ảnh: Mỹ Hạnh. |
"Vua đèo Tây Bắc" Ô Quy Hồ có tổng chiều dài gần 50 km nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Đèo nằm ở độ cao 2.000 m. Nơi đây được nhiều phượt thủ đánh giá là nguy hiểm vì có nhiều vực sâu thăm thẳm. Tuy nhiên, nếu vượt qua nỗi sợ và đến được đỉnh đèo, bạn sẽ có cơ hội được hòa mình thiên nhiên rộng lớn, giữa biển mây bồng bềnh.
Đèo Khau Phạ
Ảnh: Mỹ Hà. |
Cũng là một trong "tứ đại đỉnh đèo" của Việt Nam, cái tên Khau Phạ nhắc người ta nhớ ngay tới con đèo hiểm trở, dài hơn 30 km, vắt mình giữa hai huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải, Yên Bái. Đèo để lại "ám ảnh" với nhiều người bởi các khúc quanh co, khúc cua gấp, một bên là thung lũng, một bên là núi cao dựng đứng.
Con đèo này còn thử thách phượt thủ bởi vào những ngày sương mù, đường trở nên khó đi hơn vì không có rào chắn hay bất kỳ biển cảnh báo nào. Khau Phạ cũng là con đường huyết mạch nối Yên Bái với Lai Châu và Lào Cai.
Đèo Mã Phục
Ảnh: Gui Tonon. |
Đây là con đèo đẹp được nhắc tới nhiều trên trục đường quốc lộ 3 từ Phủ Lỗ đến cửa khẩu Tà Nùng, cách Cao Bằng 22 km, thuộc xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh. Sở dĩ đèo có tên Mã Phục là vì hai bên đường quốc lộ có hai khối đá vôi, thành dựng đứng vào nhau như hai con ngựa nằm phủ phục. Phong cảnh hai bên đèo cũng ghi điểm với nhiều người, tới đây vào mùa xuân bạn sẽ được dịp nhìn thấy những cánh đồng hoa tam giác mạch.
Đèo Thung Khe
Ảnh: Dobi. |
Hùng vĩ và mang dáng dấp của một ngọn đồi phủ tuyết, đèo Thung Khe từng nhận được sự chú ý của nhiều bạn trẻ sau khi MV của một nữ ca sĩ ra mắt. Đèo nằm trên đường quốc lộ 6, thuộc địa phận hai huyện Tân Lạc và Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Theo kinh nghiệm của nhiều người từng đến đây, du khách sẽ được dịp trải nghiệm 4 mùa trong một ngày tại đèo. Nhiệt độ sẽ giảm dần từ sáng đến chiều tối.
Sa Mù
Ảnh: Explore Indochina. |
Đèo Sa Mù là con đèo hiểm trở bậc nhất miền tây Quảng Trị, có độ dài 19,8 km nối hai xã Hướng Phùng và Hướng Việt thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Đèo có độ cao gần 1.400 m so với mặt nước biển giáp biên giới Việt Lào. Nơi đây có nhiều dốc đứng, quanh co, thường có sương mù và mây phủ trắng. Nếu chinh phục con đường Trường Sơn "huyền thoại", bạn sẽ khó quên nếu đi qua đoạn đèo này.
Đèo Hải Vân
Trải dài 20 km từ Huế đến Đà Nẵng, đèo Hải Vân cắt ngang dãy núi Bạch Mã. Tuy có nhiều đoạn nguy hiểm, con đèo vẫn thu hút nhiều khách du lịch đến ngắm cảnh hay những cặp đôi chụp ảnh cưới.
Đèo Cả
Đèo Cả nằm trên quốc lộ 1A nối liền hai tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa với độ dài chừng 12 km. Đây là một trong những đèo có địa hình hiểm trở ở miền Trung. Đi ngang qua, bạn sẽ thích thú trước khung cảnh một bên là biển một bên là rừng núi hoang sơ.
Đèo Hòn Giao
Ảnh: Huỳnh Trung. |
Đèo Hòn Giao nối thành phố biển Nha Trang với thành phố hoa Ðà Lạt, thuộc Cung đường xanh Tây Nguyên. Đèo cao 1.700 m, dài 33 km. Đèo còn được biết đến với những tên gọi như đèo Khánh Lê, Khánh Vĩnh, Bidoup, Long Lanh hay nổi hơn là đèo Omega. Trên suốt đoạn đường này, du khách sẽ dễ dàng nhận thấy sự thay đổi giữa miền duyên hải nắng nóng sang vùng cao nguyên sương mù se lạnh. Vào những tháng gần Tết, sương phù phủ kín lối đi.
tailocnguyen.vn