TOP - TÌM KIẾM SP

Quy trình sơn lại xe chuẩn

Quy trình sơn lại xe chuẩn

Quy trình sơn lại xe chuẩn
Để sửa sang lại tấm áo cho xe, chủ xe cần tốn vài triệu đồng và lựa chọn một gara thật chuyên nghiệp với những quy trình chuẩn sau đây.
Trầy xước, bong tróc sơn xe là nỗi ám ảnh của bất kỳ chủ xe ô tô nào ở Việt Nam, cho dù người lái có cẩn thận đến đâu. Tình hình giao thông lộn xộn, tắc đường, khả năng xử lý yếu của tài xế gây tai nạn, va quệt, hay ý thức kém của một số kẻ thích cào hỏng sơn xe đều là những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này. Có tới 70% chủ xe chi tiền cho bảo hiểm thân vỏ, hầu hết các chủ xe ô tô đều phải viếng thăm các gara sửa chữa, hoặc xưởng dịch vụ của hãng ít nhất 1 lần để sơn, sửa lại các vết trầy xước trên vỏ xe.

Có mặt tại một xưởng sửa chữa ô tô trên đường Lê Văn Thiêm một buổi chiều, chúng tôi ghi nhận 3 trường hợp chủ xe tới sơn lại một phần thân xe do trầy xước. Chủ xưởng dịch vụ, vốn có kinh nghiệm trong nghề, cho biết các vết trầy xước trên xe không chỉ làm  xe mất thẩm mỹ, mà còn tạo điều kiện cho các bụi bặm bám vào, nước mưa ngấm rồi oxy hóa. Nếu tình trạng trầm trọng còn có thể làm cho vỏ xe chỗ trầy xước bị ăn mòn, rỉ rồi loang rộng ra.

Hầu hết chủ xe khi mang xe đi sơn mới, hay sơn lại xe do va quệt, đều chưa hiểu biết rõ quy trình chuẩn của việc sơn lại một chiếc xe phải gồm những bước nào, và làm sao để “xế yêu” bóng bẩy đẹp đẽ như mới. Phó mặc cho một số xưởng vỉa hè có thể khiến cho bạn nhận lại chiếc xe với vết sơn lại không đều màu, hoặc màu không bền đẹp như ý muốn. Chính vì thế, bài viết này nhằm mục đích tư vấn cho các bạn về một quy trình sơn chuẩn của xưởng chuyên nghiệp, giúp chủ xe biết cách lựa chọn dịch vụ và chủ động về kinh phí sơn lại xe.

Điều đầu tiên khi bạn đã xác định mang xe đi sơn sửa lại là tìm chọn một xưởng dịch vụ chuyên nghiệp và uy tín. Để kiểm tra điều này, bạn phải xem xưởng dịch vụ có các trang thiết bị chuyên nghiệp để tiến hành sơn đúng quy chuẩn, gồm lò sấy sơn, buồng phun sơn, dụng cụ pha trộn sơn, súng phun sơn, dụng cụ đánh bóng...hay không. Hoàn thành bước này, bạn đã có thể yên tâm phần nào.
 

 
Một qui trình sơn xe chuẩn phải gồm 6 bước : Kiểm tra xe làm sạch bề mặt, sơn chống rỉ, bả matit, sơn lót nền, pha màu và phun sơn, cuối cùng là đánh bóng. Tất cả các bước đều được thực hiện đúng thứ tự.

Bước 1 : Kiểm tra & Làm sạch bề mặt

 

 
Cho xe bị tai nạn hoặc va quệt, cần làm lại sơn vào xưởng kiểm tra mức độ hư hại.
Làm sạch bề mặt bị trầy xước, hư hỏng bằng máy đánh giấy ráp tự động.
Công đoạn này tẩy hết đi lớp sơn cũ của xe, những vết xoáy, những vết xước dăm để tạo độ ăn bám khi sơn lớp mới.

Bước 2 : Sơn lót chống rỉ

Sơn lót một lớp sơn chống rỉ vào bề mặt ( thường sơn chống rỉ bằng màu xanh lá cây ). Đợi 10 phút để khô lớp sơn chống rỉ , tiếp tục đánh bằng giấy ráp ướt để làm sạch bề mặt. Bước này sẽ giúp tránh được sự ăn mòn thân xe.

Bước 3 : Bả matit

Lau thật khô bề mặt sau khi đánh giấy ráp ướt. Bả một lớp ma tít vào bề mặt bị trầy xước để lấp đầy bề mặt bị trầy xước, lồi lõm, theo đúng khuôn chuẩn của xe.
 

Công dụng : Để tạo lại khuôn dạng ban đầu cho vỏ xe.
Bước này cần tiến hành rất cẩn thận, đặc biệt chú ý phải lau thật khô bề mặt. Nếu bề mặt bị trầy xước còn ướt thì khi bả matit sẽ bị bở, không thể tạo được khuôn xe. Công đoạn này đòi hỏi tay nghề và sự cẩn thận của người thợ.
 

Bước 4 : Sơn lót

 
Tiếp tục sơn lót một lớp sơn lên trên phần matit, giúp ngăn phần matit không ăn ra ngoài. Nếu không làm kĩ thì lớp matit sẽ thấm ra ngoài ảnh hưởng đến màu của xe.
 

 
Chờ 30 phút để khô sơn. Nhiệt độ chuẩn khi sơn là 30-36 độ C.
Lưu ý : Nếu thời tiết xấu, độ ẩm cao thì nên sấy bằng lò sưởi.

Bước 5 : Pha màu & Phun sơn


Đây là bước rất quan trọng, vì nó quyết định trực tiếp đến màu sơn của xe sau khi sơn xong. Khi tiến hành sơn lại một phần thân vỏ, điều quan trọng là thợ phải xác định đúng màu sơn chuẩn của xe, để lớp sơn mới được hài hòa với màu sơn tổng thể. Muốn làm được điều này, thợ sơn phải tra đúng code màu chuẩn của xe do nhà sản xuất đưa ra. Sau đó người thợ sẽ tiến hành đong đếm pha sơn, độ chính xác tới từng giọt . Công đoạn này người thợ cần có tay nghề cao mới pha chuẩn theo code màu. Sau đó, sơn được phun trực tiếp lên bề mặt.
 

Có 2 cách pha sơn phổ biến: sơn hai thành phần và sơn phủ bóng. Sơn hai thành phần là sơn có pha kèm dầu bóng, ngoài ra còn được gọi là loại 500, phù hợp cho sơn loại xe màu trơn trắng, đen, đỏ. ..Sơn phủ bóng là sơn một lớp màu, sau đó mới sơn dầu bóng, còn được gọi là loại 600, phù hợp cho các loại xe có thành phần màu hạt nhũ.

 
Khi làm công đoạn sơn phải làm trong phòng sơn, nếu làm ngoài trời thì thời tiết sẽ ảnh hưởng đến hạt màu, khi sơn màu sẽ không được bền.
 

Sau khi sơn, cần sấy trong 10 phút với nhiệt độ tiêu chuẩn là 60 độ C. Quá trình sấy khô cần được giám sát kỹ càng.
 

Bước 6 : Đánh bóng

Bước cuối cùng là đánh bóng bề mặt bằng máy chuyên dụng. Người thợ phải dùng một lớp xi bảo dưỡng lại bề mặt nhằm mục đích tạo thêm độ bóng để lớp sơn hoàn thiện, đồng thời chống lại những tác động của môi trường và tia tử ngoại. Việc đánh bóng bằng xi có tác dụng làm mờ và cũ bớt mảng sơn mới nhưng lại làm bóng và mới những mảng sơn cũ. Nếu công đoạn này được làm tốt, sẽ rất khó nhận ra đâu là chỗ mới được sơn lại.
 

Sau khi sơn xe xong, chủ xe cần có chế độ chăm sóc hợp lý, thường xuyên lau rửa bề mặt bằng khăn mềm sau khi đã phun nước, tránh tiếp xúc với ánh nắng ( nhiệt độ cao ) để luôn giữ được bền màu. Sau khi xe chạy được 1 năm, nên đánh bóng lại bề mặt để xe luôn được mới. Khi xe bị tai nạn nên mang đến các gara uy tín để kiểm tra , tránh tình trạng khi hư hỏng sau một thời gian mới sửa, như vậy mức độ hư hỏng càng cao do thời tiết, phục hồi lại rất khó và tốn kém.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây