Rửa xe sau khi đi mưa
Anh Nguyễn Lê Văn, quản lý Trung tâm bảo dưỡng xe máy Piaggio Xuân Cầu, số 3 Lê Văn Hưu, Hà Nội cho biết: “Nhiều người sử dụng xe quan niệm sai lầm là không rửa xe ngay sau khi đi trời mưa vì cho rằng ngày mai trời sẽ tiếp tục mưa. Đây chính là sai lầm lớn, vì dù việc rửa xe không chắc giúp xe ngày mai được sạch, nhưng chắc chắn sẽ giúp xe hoạt động trong tình trạng tốt nhất, giảm chất ăn mòn bám trên xe, tránh các hiện tượng gỉ sét do a xít và bùn đất bám vào xe. Do đó, sau mỗi lần đi mưa bạn cần rửa xe ngay, nếu điều kiện không cho phép thì chỉ cần lấy một vài xô nước dội lên xe để nước mưa và bùn đất không còn bám vào xe, tiếp đến là dùng vải lau khô những phần sơn nhũ, mạ sắt như: may ơ, giảm xóc, nan hoa, ống pô, vành, nếu có thể thì tra dầu vào xích, ổ khóa… Nếu xe của bạn đi vào vùng ngập nước, nên thay ngay dầu máy kiểm tra thay lọc gió (đa số các xe đời mới dùng lọc gió giấy nên phải thay, với lọc gió xốp thì thường chỉ cần vệ sinh bằng nước sạch), kiểm tra vệ sinh bugi, hệ thống ống xả, chế hòa khí…”.
Mùa mưa đến, bạn cần bảo dưỡng xe sớm hơn định kỳ, kiểm tra kỹ hệ thống điện, mô-tơ củ đề, mâm lửa, hong khô và bọc kín các mối tiếp xúc của hệ thống điện, rà soát bộ gioăng cao su lốc máy, nếu có dấu hiệu rạn nứt cần thay mới để chống nước xâm nhập vào trong động cơ, làm khô bộ truyền động để ngăn chặn luồng hơi nước bị hút vào buồng đốt, giúp dây đai bám bánh đai, để xe không chạy yếu, ngốn xăng hoặc tắt máy đột ngột.
Chọn dầu và thay dầu máy, dầu láp định kỳ
Việc chọn sử dụng loại dầu nhớt nào sẽ đóng vai trò quyết định đến chất lượng và độ ổn định của xe khi vận hành, độ bền máy móc, khả năng phát huy tối đa công suất máy. Nếu sử dụng dầu nhớt kém phẩm chất hoặc không còn bảo đảm hoạt tính, do sử dụng quá lâu không thay mới đúng thời gian hợp lý, sử dụng xe trong các điều kiện khắc nghiệt như: chở quá tải, vận hành trong điều kiện thời tiết quá nóng hoặc quá ẩm, vận hành liên tục… sẽ làm các chi tiết trong động cơ nhanh bị mài mòn, hỏng hóc nặng nhất là cháy máy, lột biên. Các nhà sản xuất thường khuyến cáo khách hàng sau khoảng 1.500 – 2.000km cần thay dầu máy một lần. Tuy nhiên, với điều kiện đường sá, thời tiết không tốt như Việt Nam thì bạn nên làm việc này sớm hơn, và xe mới sử dụng thì sau 500 km đầu tiên cần thay dầu máy. Theo các chuyên gia kỹ thuật của Yamaha Việt Nam, đối với xe có động cơ 4 kỳ nên chọn dầu nhớt 4TSEA20W-50, đây cũng là loại dầu nhớt phù hợp với khí hậu, thời tiết ở Việt Nam. Những lần thay dầu bạn nên yêu cầu thợ sửa xe vệ sinh lưới lọc dầu. Đối với dầu láp (ở xe ga) cũng nên dùng loại dầu có phẩm cấp SEA20W-50 (cùng loại với dầu nhớt động cơ). Lần đầu tiên thay dầu láp cũng cần thực hiện sau 500 km đầu tiên, những lần tiếp theo là sau khoảng 6.000 km.
Không lắp phụ tùng trôi nổi, đấu nối điện tùy tiện
Phụ tùng chính hãng thường chỉ được bán tại các đại lý chính hãng, tuy nhiên thói quen của đại đa số người sử dụng thường chọn các cửa hàng bán phụ tùng, hàng sửa xe ngoài để mua và thay thế phụ tùng, bởi họ ưu tiên hàng đầu là giá rẻ. Ông Ngô Tuấn Anh – Phó phòng Phụ tùng – Công ty Yamaha Việt Nam cho biết: “Mới đầu lắp vào xe, có thể phụ tùng “nhái” sẽ không gây ra nhiều thay đổi, nhưng chỉ sau một thời gian vận hành sẽ gây ra nhiều phiền toái. Chẳng hạn, một củ đề “nhái” sau một thời gian sử dụng sẽ có hiện tượng khó nổ máy, tiếng đánh lửa kêu to, chổi than hỏng…, hoặc nhông, xích “nhái” thường hay rão xích và bánh răng ở phần nhông sẽ rất nhanh mòn, xe đi ì… Đặc biệt, những loại phụ tùng “nhái” có thể gây nên nguy hiểm cho người ngồi trên xe khi lưu thông như: giảm sóc “nhái” có thể bị gẫy khi xe đi vào đường xấu, má phanh không ăn khi trời mưa hoặc nhiệt độ cao…”.
Nguy cơ chập điện gây cháy, nổ xe thường rất cao nếu xe bạn lắp thêm các thiết bị điện từ bên ngoài như: còi, đèn, chống trộm… vào xe. Với cách đấu nối dây thủ công rất phổ biến ở các cửa hàng sửa xe máy như hiện nay rất dễ làm hở các mối nối, mạch điện, gây cháy dây điện và cháy xe. Việc lắp thêm đèn, còi cũng làm ảnh hưởng tới tính năng chịu tải của hệ thống điện trên xe, gây ra chập điện, cháy, nổ xe.