Nếu bạn là phụ nữ, nhớ về thời con gái, những chiều tan trường, được ngồi sau tay lái cứng, ôm eo thật chặt, má áp lưng thật lâu, chả nói với nhau câu nào. Cùng lượn phố Quang Trung, đường Nguyễn Du ngửi mùi hoa sữa, vòng Bờ Hồ, dừng ở hiệu kem Tràng Tiền ăn liền mấy cây ốc quế, rồi rong ruổi lên Hồ Tây ghé con đường tình yêu, ngồi gốc cây si ngắm hoàng hôn buông xuống...
Là đàn ông, ai chả có một thời trẻ trai, thời ước ao có chiếc xe máy, có người yêu ngồi sau, mùa đông dán chặt vào lưng, ấm như chiếc chăn bông, "bọn mình đi đâu đi anh ơi"... Thì đó, phương tiện đưa bạn về một thời khó quên chính là xe máy.
Thực tế, đi đâu đôi khi cách vài bước chân, người Việt vẫn chọn xe máy thay vì đi bộ như một thói quen. Nhiều người nói đi xe máy là "da bọc sắt", ý rằng ngồi trên xe máy không an toàn bằng ngồi trong ôtô. Ừ thì đúng thế, nhưng đi xe máy còn có nhiều cái thú và nhiều cái sướng khác.
Xe máy phổ thông có ưu điểm nhỏ gọn, dễ sử dụng, giá mua vừa phải, tốc độ tương đối cao, linh hoạt, bảo trì bảo dưỡng đơn giản, sát hạch dễ dàng, diện tích chiếm dụng thấp, phù hợp nhiều loại đường, đường làng, quốc lộ, núi cao vực sâu, bao khó khăn, "chiến tuốt"... Vì lẽ đó xe máy là phương tiện giao thông phổ biến nhất Việt Nam.
Khi giao thông đông đúc, xe máy vượt trội về sự linh hoạt, dễ luồn lách. Dễ thấy xe máy vòng đi vòng lại dăm ba vòng vẫn thấy các dòng ôtô xếp hàng ngắm đuôi nhau tại điểm ùn. Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nơi ôtô chịu chết thì xe máy càng tỏ ra hữu dụng. Đường càng nhỏ xe máy càng thích. Đặc biệt, xe máy tấp lề nhanh như điện, gạt chân chống là có thể mua bất cứ thứ gì trên vỉa hè. Người bán hàng vì thế mà đáp ứng cũng nhanh.
Hơn nữa, người điều khiển xe máy nếu vi phạm luật, mức xử phạt nhẹ hơn ôtô nhiều, công an vẫy người vi phạm không xuể, vì họ quá đông, đi quá nhanh, quá nguy hiểm, có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân người đi xe máy nhiều khi phớt lờ luật giao thông.
Nhà có hai xe máy là có thể cả cả gia đình vi vu khắp thành phố, về cả nông thôn... Nắng trang bị bộ "ninja", mưa có áo mưa, xăng thiếu lại đổ đầy, sao phải lăn tăn. Xe máy có tầm nhìn toàn cảnh, không điểm mù mà ôtô dù có lắp camera 360 vẫn cảm thấy "ganh tị".
Về độ ép-phê, xe máy có phần nhỉnh hơn ôtô, không cần xe chuyên dụng đắt tiền, chỉ cần Wave "Tàu", các "trẻ trâu" có thể lắc giật, bốc đầu, phanh dựng đứng, vỉa tóe lửa. Nhiều người sở hữu ôtô với bộ sưu tập siêu xe thuộc hàng khủng nhất Việt Nam, nhưng về độ bướng, độ nam tính và nghệ sĩ vẫn thua mấy biker cưỡi Ducati, Harley-Davidson, hoặc những xe phân khối lớn khác.
Ra đường mới thấy xe máy nhẫn nhịn ôtô tương đối nhiều. Ôtô dàn hàng chiếm đường xe máy, đẩy xe máy vượt vỉa ba toa đi lên hè. Xe máy không lời oán thán, chấp nhận coi như số phận. Đáng ra khi qua vũng nước, người lái ôtô phải buông ga rà phanh đầy cảm xúc, đằng này lại tăng ga vô cảm làm bùn đất bắn tung tóe vào người đi xe máy. Nghĩ nó chán!
Có người nói ý thức của người lái xe ôtô cao hơn người lái xe máy cả cái đầu, tôi không phản đối. Tuy nhiên, thực tế bao giờ cũng là sự thật phũ phàng, trên đường cao tốc, nơi chỉ dành riêng cho anh em lái xe ôtô, các anh em thấy ý thức thế nào, dùng điện thoại, ôm làn đi rất chậm, ai vội cứ vội tớ chưa vội, hoặc rất nhanh như ăn cướp, vượt ở làn dừng khẩn cấp có đủ loại xe (không riêng gì xe khách) là bình thường; đi lùi, quay đầu đã từng có, thậm chí "Chiếu trải ven đường cả nhà ngồi nhậu";"Dừng xe chụp ảnh check-in"... không hiếm; sử dụng còi inh ỏi, "bắn pha" vào mặt nhau, là điều chẳng hiếm gặp.
Vắn tắt lại, đi xe máy sướng là vậy, các bác lại bảo: "Đừng đem cái nghèo ra dọa nhau mãi", rồi các bác đề xuất cấm, để đến năm 2030 các bác lùa tất cả lên xe buýt với khẩu hiệu "nào mình cùng lên xe buýt...".
Độc giả Nguyễn Phúc Tâm
tailocnguyen.vn