Nhiều người quan niệm, mưa kéo dài, sử dụng nhiều nên chờ khi nắng mới rửa xe vừa tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí. Tuy nhiên, điều đó lại rất có hại đối với một số bộ phận dưới gầm xe – nơi trực tiếp bị ảnh hưởng bởi nước mưa, bùn đất.
Các chi tiết dưới gầm được sơn chống gỉ, nhưng theo thời gian công năng của chúng dần bị mất đi. Khi bùn, đất hoặc nước bẩn có axít bám vào làm xuất hiện quá trình ô-xi hóa. Bên cạnh đó, bùn đất lọt vào các khớp chuyển động của hệ thống treo, rô-tuyn hệ thống lái, trở thành các hạt mài chà xát bề mặt chi tiết. Tệ hại hơn, chúng có thể làm các khớp này kẹt cứng.
Cơ cấu phanh, mai-ơ của các bánh xe là những chi tiết dễ bị tổn thương nhất sau khi đi mưa. Bởi chúng ở vị trí thấp nên bùn đất và nước dễ xâm nhập.
Với những xe ít sử dụng vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Nước mưa ngấm vào, phản ứng ô-xi hóa xuất hiện, ăn mòn các chi tiết và gây ra gỉ sét. Hiện tượng điển hình là kẹt cứng phanh tay do để lâu ngày sau khi đi mưa. Hiện tượng khác trên phanh đĩa là phanh nhả chậm, nguyên nhân do khớp di động của yên phanh han gỉ.
Dây cu-roa kéo tải ở đặt ở trị trí khá thấp, trong khi khoang động cơ không kín hoàn toàn, bùn, đất, nước bám vào gây ra hiện tượng trượt đai. Ngoài tiếng rít khó chịu, đai trượt còn nhanh hỏng. Nếu trượt nhiều có thể không đủ sức kéo máy nén điều hòa, trợ lực lái hoặc máy phát điện dẫn tới những trục trặc khác.
Cần gạt nước là bộ phận phải làm việc thường xuyên khi trời mưa. Cần gạt nước bị hỏng hoặc không còn khả năng vận hành đúng tiêu chuẩn có thể gây ra đọng nước, xước kính lái, do đó, nhà sản xuất khuyến cáo chúng ta nên thay cần gạt sau 12 đến 18 tháng sử dụng.Nếu cầm gạt nước không tốt nó sẽ gây ra những vết xước trên mặt kính xe của bạn.
Thường xuyên lau sạch cát, bụi trên lưỡi cao su, kính bằng vải hoặc giấy mềm. Tuyệt đối không sử dụng các chất tẩy rửa như: xăng, dầu hỏa hoặc chất có gốc dầu để lau lưỡi gạt nước.