Hầu hết người sử dụng đều biết dầu máy có tác dụng gì, nhưng lại không để ý đến chi tiết thông số kỹ thuật của dầu. Thông thường, những điều cần biết đều được ghi trong sách hướng dẫn sử dụng.
Thông số chi tiết của dầu máy được in nổi ngay trên vách máy Piaggio Liberty
Theo khuyến cáo của hãng xe, dầu máy sử dụng cho xe Vespa và Piaggio là loại dầu máy có tiêu chuẩn SAE 5W-40. Trong đó SAE là tiêu chuẩn phân loại dầu theo độ nhớt (hay phân loại theo độ cứng và độ mềm của dầu). Số 5 là trị số đặc tính của dầu tại điều kiện nhiệt độ thấp; W là winter (mùa đông) và 40 là trị số đặc tính của dầu tại điều kiện nhiệt độ cao.
Hiện nay, trên các dòng xe Vespa sử dụng động cơ 3 van, thông số chi tiết của dầu máy không còn được in trên lốc máy.
Khác với sự thông dụng của dầu máy, dầu láp (dầu hộp số) vẫn còn là khái niệm khá mới với nhiều người sử dụng do không để ý đến. Khác với xe số, xe tay ga sử dụng hệ thống truyền động vô cấp dẫn động bằng dây đai thay cho xích và hộp số. Ở cầu sau xe tay ga sử dụng hệ thống bánh răng dẫn động đến trục bánh xe và dầu để bôi trơn gọi là dầu láp.
Vị trí que thăm dầu láp trên xe Vespa
Do các bánh răng truyền động hoạt động thường xuyên với cường độ và tải trọng cao, nếu không được bôi trơn thường xuyên dẫn đến bị mài mòn, tạo ra độ rơ, tăng tính va đập giữa các bánh răng, tạo nên tiếng kêu và làm giảm công suất truyền động. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm tăng độ mài mòn, tiếng kêu ngày càng lớn và thậm chí có thể gây vỡ, mẻ và bị trượt khiến xe không thể hoạt động.
Khác với các dòng xe ga khác, xe Vespa và Piaggio có thể kiểm tra tình trạng dầu láp thông qua que thăm dầu. Theo kinh nghiệm của các thợ sửa xe, cứ 3 lần thay dầu máy thì một lần thay dầu láp.
Cốc dầu phanh trước của xe Vespa
Dầu phanh thuộc nhóm hao mòn thông thường và cần được thay thế định kỳ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Dầu phanh trên xe Vespa thường sử dụng loại DOT 4. Dầu phanh không được sử dụng lẫn với các loại dầu khác bởi có tính chịu lực và chịu nhiệt cao.
Để nhận biết khi nào cần thay dầu phanh, khi bóp phanh với lực mạnh hay nhẹ, sẽ có cảm giác phanh bị cứng, cho thấy dầu phanh đã hết tác dụng sử dụng. Khi đó, lúc phanh xe có hiện tượng giật cục, mất an toàn khi đi vào đường trơn hoặc vào cua.
Theo anh Nghĩa, kỹ sư của Gia Minh Motorcare, dầu máy nên thay thế sau mỗi 1.500 đến 2.000 km. Dầu láp thay thế sau mỗi 8.000 đến 10.000 km. Dầu phanh được thay thế tùy điều kiện sử dụng, thông thường thay sau mỗi 20.000 km hoặc sau 2 năm sử dụng.
theo vnexpress