Má phanh không những ảnh hưởng tới độ an toàn của xe mà còn ảnh hưởng tới chất lượng của xe. Khi má phanh bị mòn đến mức báo động, nó sẽ ảnh hưởng tới các bộ phận có liên quan tới nó.
Khi má phanh bị mòn đến mức báo động, áp suất dầu phanh bị tụt xuống do piston phải đẩy ra quá xa, đèn báo áp suất dầu phanh sẽ sáng trên bảng đồng hồ. Tuy nhiên, bạn cũng cần cảnh giác khi đèn báo áp suất dầu phanh bật sáng, bởi rất có thể nguyên nhân không hẳn là mòn má phanh, mà còn có thể là do rò rỉ đường ống dẫn dầu phanh gây hao dầu. Một số loại má phanh sử dụng lá kim loại để cảnh báo độ mòn, thì khi mòn mức lá kim loại chạm vào đĩa phanh thì sẽ phát tiếng kêu báo hiệu.
Bạn nên biết phẩm cấp của loại dầu động cơ mà bạn đang sử dụng. Có loại dầu động cơ cao cấp 10.000km mới phải thay, nhưng các loại thông thường chỉ khoảng 5.000km. Màu của dầu khi kiểm tra chỉ là một trong những dấu hiệu, chứ chưa hẳn là căn cứ duy nhất để thay dầu. Bạn nên lưu ý đến dầu động cơ để có thể tránh được những hư hại không đáng xảy ra.
Tùy vào tốc độ trung bình mà bạn chạy xe hằng ngày để điều chỉnh một cách tương đối tần suất thay đầu. Giả sử bạn thường xuyên đi trong thành phố, với tốc độ trung bình chỉ khoảng 25 – 30km/h thì thời gian giữa các lần thay dầu sẽ phải rút ngắn còn một nửa.
Rô-tuyn có thể hiểu đơn giản là khớp nối bi giữa các chi tiết ở hệ thống lái hay cân bằng có hướng và biên độ dao động khác nhau. Để các rô-tuyn hoạt động trơn tru, bên trong các rô-tuyn luôn có mỡ và phía ngoài có vỏ cao su bao bọc.
Độ bền của các rô-tuyn phụ thuộc vào điều kiện sử dụng xe là chủ yếu. Nếu thường xuyên di chuyển trên địa hình gồ ghề hay xóc mạnh thì rô-tuyn cũng sẽ nhanh hỏng hơn. Tuy nhiên, có thể do sử dụng lâu ngày, hoặc do sơ ý của người sử dụng/sửa chữa mà vỏ bọc cao su bị rách khiến bụi bẩn chui vào thì rô-tuyn còn chết nhanh hơn nữa. Khi bảo dưỡng xe bạn cũng nên bớt chút thời gian để kiểm tra rô-tuyn để có thể phát hiện những dấu hiệu lạ.
Giảm xóc bị chảy dầu và không còn hấp thụ được rung xóc khi xe vận hành trên đường xấu. Khi một giảm xóc bị hỏng, bạn sẽ cảm nhận được những tiếng lật bật ở bánh xe đó khi qua ổ gà hay các gờ giảm tốc, thậm chí ảnh hưởng đến độ cân bằng thân xe.
Để đảm bảo an toàn cho bạn, bạn không thể tiếc tiền chỉ thay một chiếc giảm xóc hỏng, mà phải thay cả đôi trên cùng một cầu đó. Lý do là giảm xóc mới và giảm xóc cũ có độ đàn hồi khác nhau, khả năng hấp thụ rung xóc khác nhau. Nếu trên cùng một trục mà một chiếc mới và một chiếc cũ thì có thể làm cho thân xe bị lệch trong nhiều tình huống. Nó sẽ giảm độ êm của xe, tạo lên cảm giác mệt mỏi, khó chịu khi vận hành xe.
Độ bền của lốp xe cũng phụ thuộc vào thời tiết và địa hình đường chạy. Nếu đường khô ráo hoàn toàn, những chiếc lốp được sản xuất gần như phẳng lì để tối đa diện tích bề mặt ma sát. Trong khi đó, lốp trời mưa được thiết kế thêm những cái rãnh dọc và ngang để thoát nước. Bạn nên biết rằng hoa lốp càng mòn, độ ma sát trên đường ướt sẽ càng giảm.
Loại lốp hiện đại nào cũng có những điểm mốc nằm bên trong các rãnh dọc, đánh dấu độ mòn khuyến cáo của các nhà sản xuất lốp. Tuy nhiên, có những chiếc xe được lưu kho trong nhiều năm hay rất ít đi thì sao? Lốp cao su dù không sử dụng thì cũng sẽ dần dần bị lão hóa. Chính vì vậy, hãy thay lốp khi mòn đến điểm mốc đánh dấu hoặc sau khoảng 5 – 6 năm tùy điều kiện nào đến trước.