Top 10 bộ phận dễ bị hư hỏng nhất trên xe máy
Xe máy là phương tiện di chuyển chủ yếu của nhiều người, tuy nhiên việc hay quên bảo dưỡng định kì sẽ làm cho chiếc xe nhanh bị cũ, hư hỏng gây mất an toàn cho người sử dụng. Nhất là trong mùa dịch này việc di chuyển bị hạn chế, các bạn nên dành thời gian rảnh để kiểm tra lại chiếc xe của mình.
1.Nhớt xe
Dầu nhớt có tác dụng bôi trơn, hạn chế mài mòn động cơ, tản nhiệt, làm sạch và cuốn trôi các muội, cặn bẩn, góp phần tiết kiệm nhiên liệu cho xe. Thời gian thay nhớt xe máy hợp lý là sau khi xe chạy được 2.000 km đối với xe máy đời mới và từ 1.000 km – 1.500 km đối với xe cũ.
Tuy nhiên, thời gian này có thể rút ngắn tùy theo tuổi thọ xe và môi trường sử dụng. Riêng xe ga có hai loại dầu, dầu máy và dầu láp (dầu hộp số). Theo kinh nghiệm, cứ 3 lần thay dầu máy thì một lần thay dầu láp.
2.Lốp xe
Với đặc điểm thường xuyên tiếp xúc với mặt đường khi di chuyển, lốp xe máy cũng là bộ phận bị hao mòn nhiều và nhanh nhất. Nếu không kiểm tra thường xuyên khiến lốp bị mòn, nứt, thủng, … sẽ làm mất cân bằng xe, lốp không bám đường, trơn trượt và không đảm bảo an toàn cho người lái.
Các bạn có thể dễ dàng kiểm tra
lốp xe của mình đã bị mòn hay không bằng cách nhìn vào bề mặt lốp, nếu lốp đã bị mòn gai, mòn không đều, lốp bị cán đinh từ 3 lỗ trở lên hoặc bị nứt rạn bên hông lốp thì nên tiến hành thay mới.
Tốt nhất là nên thay thế định kỳ sau khoảng 15.000 – 20.000 km sử dụng.
XEM THÊM:
LỐP KHÔNG SĂM LÀ GÌ? BƠM, VÁ LỐP KHÔNG SĂM NHƯ THẾ NÀO CHO ĐÚNG?
3.Nhông sên đĩa
Đối với các loại xe số, xe tay côn như Exciter, Winner, Raider, Sirius… nhông sên đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển động của xe máy, nên khi bộ phận này có vấn đề thì việc vận hành xe sẽ không thể trơn tru.
Do đó, việc bảo dưỡng cẩn thận, và phát hiện những lỗi hỏng hóc kịp thời sẽ rất quan trọng. Nếu xe bạn nhông đã bị mòn răng, xích trùng thường xuyên phải tăng, tạo ra tiếng lạch cạch khi chạy, tăng tốc khó khăn, xe cảm giác hơi ì thì nên tiến hành thay mới nhông sên đĩa.
4.Dây Curoa
Đối với các loại xe tay ga như Vision, AB, Vario… khi xe hoạt động lâu ngày, bụi bẩn cùng với mạt sinh ra do các chi tiết động cơ hoạt động sẽ dần tích tụ trong hộp đai, bám vào đai truyền động.
Do ma sát tạo ra khi quay, đai sẽ dần bị những bụi bẩn này bào mòn. Bề mặt bị mòn làm kích thước giữa các bề mặt tiếp xúc nhỏ đi, gây giảm hiệu quả truyền lực.
Đồng thời, nhiệt năng sinh ra do ma sát trong quá trình hoạt động sẽ làm chai cứng dần bề mặt dây curoa, thậm chí có khả năng làm nứt dây. Theo khuyến cáo của các hãng sản xuất, tốt nhất nên định kỳ kiểm tra đai truyền động sau khoảng 8.000 km và thay thế sau khoảng 20.000 km.
5.Bugi
Trong động cơ, bugi đóng vai trò cung cấp các tia hồ quang để đốt cháy hỗn hợp không khí và nhiên liệu ở áp suất cao, chúng thường xuyên phải làm việc trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt có thể lên tới 2.500ºC.
Chính vì vậy, sau thời gian sử dụng sẽ bắt đầu xảy ra hiện tượng muội than bám trên bugi, đầu cực bị mòn hay đầu sứ nứt vỡ dẫn tới khả năng đánh lửa kém, khó nổ máy hoặc không đốt cháy hoàn toàn nhiên liệu làm cho sức mạnh động cơ bị yếu đi, hao xăng.
Để giải quyết vấn đề này chúng ta có thể thay thế bugi zin bằng những loại bugi có độ bền cao hơn, khả năng đốt cháy nhiên liệu và chịu nhiệt độ nóng chảy tốt hơn.
6.Lọc xăng
Lọc xăng cũng là bộ phận cần kiểm tra bảo dưỡng, bởi nếu không có nó cặn bẩn từ xăng hay bình xăng lâu ngày han gỉ sẽ có những bụi kim loại.
Khi đó theo hỗn hợp xăng gió hút vào buồng đốt gây xước bề mặt xy nanh. Còn với xe Fi thì tắc kim phun.
7.Lọc gió
Lọc gió có chức năng lọc sạch không khí trước khi đi qua họng ga. Sau đó không khí được hòa trộn với nhiên liệu tạo thành hỗn hợp trong buồng đốt và được đốt cháy để sản sinh công suất.
Đối với những chiếc xe nguyên bản, lọc gió theo xe thường là dạng lọc giấy do đó lượng không khí vào chỉ vừa đủ theo những tính toán của nhà sản xuất, dễ bị hư hỏng. Sau một thời gian bụi bẩn bám vào sẽ làm lượng gió lưu thông bị cản lại rất nhiều.
8.Bố thắng
Bố thắng sử dụng lâu ngày sẽ bị mòn, chai cứng không còn đảm bảo lực thắng chính xác, không đảm bảo an toàn.
Bạn kiểm tra xe nếu bố thắng của mình đã mòn gần đến phần cùi đĩa, hoặc bị kêu khi chạy thì nên thay thế.
9.Bóng đèn
Bóng đèn bị cháy hoặc không đảm bảo độ sáng làm cho bạn di chuyển vào buổi tối khó thấy được các chướng ngại vật phía trước. Hiện nay đa phần mọi người đều sử dụng loại đèn Led cho chiếc xe của mình, với độ sáng vượt trội, dễ dàng tháo lắp, độ bền cũng cao
10. Hệ thống bơm xăng
10.1 Bình xăng con
Bình xăng con với nhiệm vụ chính là trộn hỗn hợp xăng và không khí lại theo một tỷ lệ phù hợp, cấp vào buồng nổ. Hoạt động này giúp điều khiển vận hành động cơ và linh hoạt với những thay về tốc độ của xe.
Bộ phận này giúp tiết kiệm nhiên liệu, kéo dài tuổi thọ động cơ của xe máy
Chính vì vậy, bạn cần phải thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng và kiểm tra định kỳ để bình xăng con hoạt động luôn ổn định tránh tình trạng như: bình xăng con bị chảy xăng dư, …
10.2 Họng xăng và kim phun, bơm xăng với xe kim phun điện tử FI
Đối với các loại xe máy phun xăng điện tử như Exciter, Winner, Raider, Sirius Fi... khi trải qua một thời gian sử dụng sẽ dẫn đến tình trạng kim phun hay buồng đốt bị các cặn bẩn, muội carbon bám vào.
Khi được vệ sinh theo đúng định kỳ sẽ loại bỏ các chất bẩn cặn bám cản trở xăng lưu thông trong kim phun giúp động cơ xe hoạt động trơn tru và mượt mà hơn.
10.3 Hệ thống dây điều khiển
Hệ thống dây thắng, dây công tơ mét, dây ga, dây khoá yên, dây trợ thắng, tuy nhỏ nhưng cũng góp phần giúp đảm bảo an toàn cho người sử dụng, các bạn nên kiểm tra nếu hệ thống dây này bị đứt do sử dụng, hoặc bị chuột cắn khi để kho lâu ngày thì nên tiến hành thay mới.
XEM THÊM:
TOP 3 CHẾ GIÁ ĐỠ ĐIỆN THOẠI TRÊN XE MÁY NÊN MUA